Làng Cua Đồng

Trang chủ > Bài thuốc hay

Vị thuốc từ rau ghém

Vị thuốc từ rau ghém

        Rau rất cần cho cơ thể, khi dùng ăn với cơm cũng như là thuốc để trị bệnh. Những loại rau gi\"\"a vị có thể nấu hoặc ăn sống để tạo hương vị cho các loại thực phẩm khác, có khi người ta dùng rau, quả và hoa... ăn sống làm rau ghém cùng với cơm, cá, thịt... Ta thường nói đến cà ghém, bắp chuối cắt mỏng làm gỏi (nộm) ăn ghém, rau diếp cắt nhỏ ăn ghém, cà sống non cắt mỏng, ngâm muối bóp làm cà ghém, người ta chẻ cọng rau muống ngâm nước, chẻ sợi cuống lá, cuống hoa sen, súng... làm gỏi.

   Trong cách ăn uống, tùy từng lúc, từng nơi, tùy theo điều kiện môi trường sống, nhân dân ta đã tìm ra các loại lá cây ăn được và sáng tạo ra các món ăn phù hợp với thịt cá, tôm, cua để món ăn được thơm ngon, giúp tiêu hóa, tránh bệnh đường ruột, điều hòa được các chức phận trong cơ thể, duy trì sức khỏe bền lâu.

   Thử tưởng tượng nếu ăn thịt heo luộc mà không có hành và các loại rau thơm, thịt trâu thiếu tỏi, thịt chó thiếu riềng, sả, rau mơ... thì làm sao có thể ăn cho ngon miệng. Ông cha ta cũng đã biết cách phối hợp mà ta gọi là điều hòa âm dương, như ăn trứng vịt lộn, thịt vịt (được xem là thuộc loại lạnh, trứng vịt thường được đẻ ở chỗ thấp, chỗ ẩm ướt không khỏi có vị lạnh mùi tanh), dùng trứng luộc chấm với muối cho có vị mặn, thêm tiêu, gừng cho có vị cay, tính nóng, thêm rau răm cho có chất rau, có vị cay nồng. Đem cái nóng khử cái lạnh, đem cái thơm khử cái tanh, làm cho món ăn thêm chất lượng, ngon miệng mà lại phòng trừ lạnh dạ dễ đau bụng…

        Từ nồi canh chua trong bữa ăn gia đình đến nồi lẩu cá, lẩu mắm dùng cho đông người ăn, bên cạnh các món cá, tôm, không thể thiếu các món rau nấu nhừ hay nhúng tái giúp chúng ta ăn ngon miệng và ăn được nhiều hơn. Tuy nhiên, lại có những món ăn cần ăn ghém với quả tươi sống và rau sống không qua đun nấu. Tùy theo nơi cư trú và môi trường thiên nhiên từng nơi, người ta đã chọn lựa được nhiều loại rau sống thích hợp lấy từ lá cây non, chồi lá non của cây mọc tự nhiên dọc theo kênh rạch, trên đồi hoặc trong rừng sâu. Những món rau ghém như vậy sẽ đa dạng hơn khi nguồn rau thiên nhiên phong phú.

      Trên đường đi lên núi Cấm (An Giang), du khách thường bị hấp dẫn bởi mùi thơm từ những quán bánh xèo bên đường. Tùy theo loại quán, có thể bánh xèo được làm từ bột gạo, mỡ, thịt heo ba chỉ hoặc có khi thêm tôm tươi hoặc trứng vịt được chế thành bánh và chiên trong mỡ hay dầu, nhưng khi ăn không thể thiếu rau. Trên một đĩa rau lớn có đủ loại rau rừng núi: lành ngạnh, lá xoài bựa núi, mống bò, vong cách... mỗi loại sẽ cho thực khách một vị riêng, một mùi thơm đặc trưng tạo cảm giác thèm ăn, tạo sự khoái khẩu giúp người đi đường khi dừng tại quán được tận mắt nhìn dĩa bánh xèo đẹp mắt vàng ươm, ăn với lá cây có các vị chua, chát, đắng, bùi và có mùi thơm từ lá cây có tinh dầu gây sự hưng phấn, giảm mệt mỏi. Khi đã thưởng thức món bánh, khách lữ hành đỡ đói, sẽ có sức để lên hay xuống núi. Cảm giác thích thú tạo thành kỷ niệm khó quên về sự am tường của các chủ quán đã chọn được loại rau địa phương thích hợp với món bánh xèo.

        Những ai đã có những chuyến đi qua Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đều muốn dừng lại tại các quán có bán món đặc sản bánh tráng phơi sương. Bên cạnh đĩa bánh tráng đã cắt sẵn, có đĩa thịt heo ba chỉ cắt lát mỏng, cùng với chén nước mắm chế sẵn..., người ta xếp nhiều loại rau sống trên đĩa lớn, cùng với đĩa nhỏ cuống cụm hoa cây hẹ. Khách hàng tùy thích chọn các loại rau cùng với thịt cho vào bánh tráng, như quế vị, rau cần, rau thơm, bí bái, trâm kiền kiền, rau sông, rau chiếc, bằng lăng, săng máu rạch, bọ mắm, câu đằng, sao nhái... Một tí chua chua, một chút chát chát, se se, một vị hăng, một mùi thơm dịu... tất cả hòa quyện trong cuốn bánh tráng chấm nước mắm pha chanh, tỏi, tạo cho ta nhiều cảm giác. Mắt nhìn thấy trên bàn có các món ăn hấp dẫn, mũi ngửi đ¬ược mùi thơm từ các loại lá có tinh dầu, lưỡi ta nhận biết được các vị chua, ngọt, cay, bùi của lá, vị béo của thịt, tai nghe tiếng động từ sự vỡ ra của rau... Thực khách cảm thấy thích thú vì cùng lúc các thực phẩm gây tác động đến nhiều giác quan. Cảm giác mệt mỏi khi đi đường biến mất, sự sảng khoái được tạo ra giúp thực khách ăn ngon, không e ngại.

        Nhiều loại rau ghém được thu hái trong thiên nhiên, từ những cây rừng sống dọc kênh rạch, ven sông suối... không bị ô nhiễm vì thuốc trừ sâu, không bị xáo động vì nguồn phân bón. Cũng có thể xem đó là những loại rau sạch, những vị thuốc thiên nhiên.

         Rau ghém này không cung cấp cho cơ thể chúng ta năng lượng như một số loại thực phẩm khác, nhưng lại phong phú về chất khoáng, vitamin, nhất là vitamin C, các loại lá có tinh dầu là những vị thuốc kích thích tiêu hóa và sát trùng.

   Qua chọn lọc, người ta đã tìm được những lá rừng vừa giúp ăn ngon lại giúp giải cảm, trị ho, trừ lỵ, tránh được các bệnh đường ruột, giảm bớt được tác hại của mỡ động vật đối với cơ thể...

        Rau ghém ăn sống cùng với các loại thực phẩm khác có ý nghĩa lớn trong đời sống của con người, trong việc bảo vệ sức khỏe, cung cấp một số chất cần thiết cho cơ thể, lại góp phần phòng và trị bệnh.

HT (theo KHPT)

Về trang trước Tạo trang in

Các tin khác: